Bạn thân mến,
Khi lòng hướng lên Chúa Trời, hoặc trong những khoảnh khắc đời
thường, hoặc trong nhóm thờ phượng tại Hội thánh, bạn thường trông đợi
những món quà nào từ Ngài? Sự đáp lời cầu nguyện cho những nhu cầu vật
chất, hay là cả những món quà tâm linh nữa? Người có kinh nghiệm theo
Chúa biết rằng gốc rễ của phước hạnh mọi mặt trong đời sống là ở những
tri thức tâm linh của một linh hồn thịnh vượng, đã được ân tứ thiêng
liêng bồi bổ khiến cho lòng bình an, đức tin tươi mới, hy vọng được
khích lệ, và yêu thương được đổ tràn đầy...
Nhưng, vì những món quà phước hạnh tâm linh đó là vô hình, nên nhiều
người vẫn chưa biết cách tiếp nhận. Cũng nên nhớ chúng ta có kẻ thù là
ma quỉ, luôn tìm mọi cách lừa dối và cản trở không cho con cái Chúa thấy
được và nhận được. Kinh nghiệm chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn vượt qua
những vật cản đó, để đón nhận những ơn phước tâm linh từ Cha thiên
thượng.
Bây giờ, hãy thử hình dung, nếu được tiếp đón thiên sứ, bạn sẽ chuẩn
bị thế nào? Đây sẽ thật là một cơ hội được phước hạnh lớn vô cùng, chúng
ta ai cũng muốn nắm lấy được, phải không? Thiên sứ, tức là sứ giả của
Đức Chúa Trời. Được sai đến giúp chúng ta với một sứ mệnh đặc biệt, có
thể thay đổi hoàn toàn đời sống chúng ta.
Vậy, biết thiên sứ sắp đến nơi, đang chuẩn bị gõ cửa, bạn sẽ làm những gì?
Sẽ dọn nhà gọn gàng, tắm rửa và ăn mặc sạch sẽ. Sẽ tỉnh thức chờ đợi.
Sẽ chuẩn bị một chỗ trang trọng để tiếp đón. Sẽ mở lòng lắng nghe sứ
điệp, và nếu được phán bảo đi đâu, làm gì, chắc là chúng ta sẽ nghe
theo? Nếu đến giờ sắp được tiếp đón thiên sứ, bạn có tìm cách lánh xa
khỏi những người hay làm phiền, để gặp riêng được sứ giả của Chúa?
Nhưng, theo bạn thì tại sao Đức Chúa Trời không thường xuyên sai
thiên sứ đến để dẫn dắt và chỉ bảo dân sự? Thậm chí dường như thời Cựu
Ước còn được thiên sứ đến thăm viếng thường xuyên hơn so với con cái
Chúa thời nay, là những người tin Chúa Jê-sus? Ngài hết muốn cứu giúp
loài người một cách siêu nhiên rồi hay sao? Không, thực tế là Đức Chúa
Trời đã có những sứ giả khác tốt hơn.
Vậy, ai là sứ giả tốt hơn? Chắc chắn là chúng ta nhớ ngay đến Chúa
Jê-sus. Và Kinh thánh cũng khẳng định rằng Đức Chúa Trời phán dạy chúng
ta qua Con Ngài.
Hê-bơ-rơ 1
1 Ðời xưa, Ðức Chúa Trời đã dùng các đấng
tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, 2 rồi đến những
ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã
lập lên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian;
Thật đúng là chúng ta đã có Chúa Jê-sus. Mà Chúa Jê-sus thì lớn hơn
tất cả các thiên sứ. Nhưng, thực tế là hiện nay Chúa Jê-sus đâu có hiện
diện bằng xương bằng thịt trên quả đất này để ở cùng dân sự. Tất nhiên,
chúng ta lại nhớ thêm, là Chúa Jê-sus đã sai Đức Thánh Linh đến - thần
Lẽ thật để ở cùng với mỗi chúng ta đời đời.
Vấn đề là Thánh Linh cũng là Đấng vô hình, trong khi con người trước
tiên cần một sứ giả nào có thể cảm nhận được. Hơn nữa, theo nguyên tắc
của Đức Chúa Trời, cần phải có hai người làm chứng thì chân lý mới được
khẳng định.
Sứ giả khác nữa của Đức Chúa Trời, mà thực tế đã được sai đến trước,
chính là Lời Chúa, một kênh dẫn thật tốt lành, siêu nhiên nhưng lại hữu
hình, mà tất cả mọi con người trên đất đều có thể tiếp cận và cảm nhận
được. Đấy chính là Kinh thánh mà mọi người đều có thể tìm đọc! Chính
trong Kinh thánh có một đoạn tuyệt vời nói về vai trò sứ giả này:
Ê-sai 558 Ðức Giê-hô-va phán: Ý tưởng ta chẳng phải ý
tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. 9 Vì các
tầng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các
ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu. 10 Vả, như
mưa và tuyết xuống từ trên trời và không trở lại nữa, mà đượm nhuần đất
đai, làm cho sanh ra và kết nụ, đặng có giống cho kẻ giao, có bánh cho
kẻ ăn, 11 thì lời nói của ta cũng vậy, đã ra từ miệng ta, thì
chẳng trở về luống nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận lợi
công việc ta đã sai khiến nó.
Chúa đã sai khiến Lời Ngài đến với nhân loại! Lời Chúa là sứ giả của Đức Chúa Trời cho mỗi chúng ta!
Chúng ta biết, Lời Chúa có quyền phép siêu phàm, có thể tạo dựng muôn
vật từ chỗ không có gì. Bởi lời phán, Chúa làm nên sự sáng, dựng nên
thế giới vật chất, sáng tạo nên mọi định luật của vũ trụ để muôn loài
vạn vật sống theo đó. Và Lời quyền phép đó cũng được sai đến để giúp
biến đổi đời sống chúng ta.
Nếu từ trên cao nhìn xuống các tuyến đường trong thành phố, sẽ biết
rõ nơi nào tắc, và nơi nào thông. Cũng vậy, từ quan điểm của Đức Chúa
Trời nhìn vào những thói quen nếp sống của con người, sẽ biết rõ chỗ nào
vướng mắc. Cần phải tiếp nhận Lời Chúa, nếu bạn muốn được nâng đời sống
mình lên.
Mọi ý tưởng, dự định, và sự dẫn dắt tốt lành siêu nhiên cao cả mà Cha
thiên thượng muốn làm thành trên đời sống chúng ta, đã được gói gọn lại
trong Lời Ngài. Chúa sai Lời Ngài đến với chúng ta, như những hạt giống
mang đầy sự sống siêu nhiên, và cũng như mưa tuyết đem hơi nước của sự
sống từ trời để truyền đến đời sống chúng ta trên đất.
Lời Chúa là sứ giả, truyền sứ điệp sự sống của Đức Chúa Trời đến cho
mỗi con người! Bạn có dọn nhà gọn ghẽ, làm sạch bản thân, sẵn lòng cởi
mở, tỉnh thức trông đợi, để lắng nghe và làm theo Lời Chúa không? Nghĩa
là bạn có thái độ đón tiếp Lời Chúa như đón tiếp thiên sứ không?
Trong Thi thiên 107 có mô tả cách Chúa đã chữa lành và giải cứu con người khỏi tội lỗi họ như thế nào:
Thi thiên 107
17 Kẻ ngu dại bị khốn khổ Vì sự vi phạm và sự gian ác mình;
18 Lòng chúng nó gớm ghê các thứ đồ ăn; Họ đến gần cửa sự chết.
19 Bấy giờ trong cơn gian truân họ kêu cầu Ðức Giê-hô-va, Ngài bèn giải cứu họ khỏi điều gian nan.
20 Ngài ra lịnh chữa họ lành, Rút họ khỏi cái huyệt.
Câu "Ngài ra lệnh chữa họ lành" thật ra phải hiểu theo nguyên bản là
"Ngài sai Lời Ngài đến chữa họ lành". Nhiều người ngày hôm nay chưa được
lành, chưa được thoát khỏi cái huyệt, chưa nhận được sự giải cứu, không
phải vì Chúa chưa sai sứ giả đến cho họ, mà chính vì họ chưa tiếp nhận
sứ giả đó.
Hãy nhớ lại, hai ngàn năm trước Đức Chúa Trời Ngài đã sai Con Ngài là
Chúa Jê-sus đến. Mặc dù Chúa Jê-sus còn lớn hơn cả thiên sứ nữa, nhưng
rất nhiều người thời đó đâu có chịu tiếp nhận Ngài. Họ đã đánh mất cơ
hội để được ơn thăm viếng và cứu rỗi. Nếu chúng ta không muốn bị mất đi
cơ hội được đón tiếp sứ giả của Chúa đến với đời sống mình, thì nhất
định phải học hỏi để không phạm lại sai lầm của họ. Đọc Kinh thánh, có
thể thấy bốn nhóm người như vậy.
Những người ức hiếp lẽ thật
Nhóm người thứ nhất không tiếp nhận Chúa Jê-sus là sứ giả của Đức
Chúa Trời, là những người luôn nhất quyết mọi sự phải theo ý họ. Họ lấy ý
tưởng mình, đường lối mình để xét đoán ý tưởng và đường lối của Đức
Chúa Trời. Lấy thấp đo cao, lấy sự tầm thường đo cái siêu việt. Trong số
này không chỉ có những người chuyên làm điều ác, mà ngay cả những người
dù biết Đức Chúa Trời và phục vụ trong đền thờ, nhưng không chịu tìm
kiếm ý Chúa. Đấng Christ phải thế này, phải thế kia, họ nói vậy và đòi
hỏi Chúa Trời phải theo ý mình. Kinh thánh gọi rằng họ là nhóm người lấy
sự không công bình mà ức hiếp lẽ thật, mặc dù đã được Chúa bày tỏ về
Ngài qua nhiều sự việc sờ sờ trước mắt (Rô-ma 1:18-21). Họ là nhóm người
đã rắp tâm lập mưu để giết Chúa Jê-sus.
Sau đó, dù có nghe tin Chúa Jê-sus đã sống lại, họ cũng chẳng hề sợ
hãi mà tiếp tục bắt bớ những môn đồ đã tin theo Chúa Jê-sus nữa. Ê-tiên
bị họ ném đá chết, và trong lời giảng mình về Chúa Jê-sus, ông đã quy họ
vào cùng một hội những kẻ cứng cổ, đã thường xuyên chống nghịch với
Thánh Linh (là Đấng luôn đóng vai trò sứ giả từ trời, như Chúa Jê-sus
sau này), họ thuộc hội những kẻ thường xuyên bắt bớ và giết chóc các
tiên tri của Đức Chúa Trời (xem Công vụ 7:51-53).
Bạn thân mến, dù nghĩ rằng trong chúng ta có lẽ không có ai là người
như vậy, thì vẫn phải nhắc nhau để cảnh giác - muốn tiếp nhận sứ giả của
Đức Chúa Trời, thì chớ là người chỉ muốn áp đặt mọi sự theo ý riêng
mình, thậm chí dám ức hiếp lẽ thật.
Những người cứng lòng
Nhóm người thứ hai, dù đã được nghe Chúa Jê-sus giảng, đã thấy phép
lạ Ngài làm, nhưng không chịu tiếp nhận sứ giả mà Đức Chúa Trời sai đến
để cứu rỗi họ, đấy là những kẻ cứng lòng. Họ không hằn học chống đối ra
mặt, nhưng họ nhất định bịt mắt che tai, để không nghe và không cho sứ
điệp cứu rỗi có lối nào vào được linh hồn họ. Căn nguyên của vấn đề, là
họ đang phạm tội và muốn tiếp tục, họ cứ muốn chiều theo đường lối của
xác thịt mình.
Với những người đó, Lời Chúa cứ như là câu đố khó hiểu với họ, và mọi
chân lý Chúa truyền dạy cứ như một bức tranh nhòe màu không rõ hình thù
và không thấy đẹp đẽ gì cả.
Ma-thi-ơ 13
13 Vậy nên ta phán thí dụ cùng chúng; vì
họ xem mà không thấy, lắng tai mà không nghe, và không hiểu chi hết. 14
Vậy, về họ, đã được ứng nghiệm lời tiên tri của Ê-sai rằng: Các ngươi sẽ
lắng tai nghe, mà chẳng hiểu chi; Lấy mắt xem mà chẳng thấy chi. 15 Vì
lòng dân nầy đã cứng cỏi; Ðã làm cho nặng tai Và nhắm mắt mình lại, E
khi mắt mình thấy được, Tai mình nghe được, Lòng mình hiểu được, Họ tự
hối cải lại, Và ta chữa họ được lành chăng.
16 Nhưng phước cho mắt các ngươi, vì thấy được; phước cho tai các ngươi, vì nghe được!
Những người cứng lòng này vẫn còn cơ hội được thay đổi. Chúa Jê-sus
muốn chúng ta nếu có bị như vậy, thì hãy sẵn lòng ăn năn, lúc đó Ngài sẽ
chữa cho, dù có mù cũng có thể sáng, nếu có điếc vẫn có thể nghe lại
được. Và thật phước thay cho chúng ta, nếu vẫn nghe và vẫn thấy! Hãy chú
ý để nhìn và lắng nghe, vì những điều thấy được và nghe được sẽ là sứ
giả từ Chúa có thể giúp chúng ta thay đổi con người và đời sống, và sau
đó còn giúp được cho nhiều người khác nữa.
Hê-bơ-rơ 3
12 Hỡi anh em, hãy giữ lấy, kẻo ai trong
anh em có lòng dữ và chẳng tin mà trái bỏ Ðức Chúa Trời hằng sống chăng.
13 Nhưng hằng ngày anh em hãy khuyên bảo lẫn nhau, đang khi còn gọi là
"Ngày nay," hầu cho trong anh em không ai bị tội lỗi dỗ dành mà cứng
lòng.
Chúng ta còn có thể hợp tác với sứ giả của Đức Chúa Trời để giúp
nhiều người khác, khi chúng ta khuyên bảo lẫn nhau, nhắc nhở thẳng thắn
với anh chị em mình, để không ai bị tội lỗi dỗ dành làm cho cứng lòng,
không ai nổi loạn, không ai bị mất phần vào sự yên nghỉ của Đức Chúa
Trời. Không nên chỉ nói những lời lấy lòng, chiều cho xác thịt của nhau.
Tôi nghĩ chúng ta ai cũng biết cách nói lấy lòng nhau được, nhưng hiếm
người vì yêu thương chúng ta mà dám lấy lẽ thật của Đức Chúa Trời nhắc
nhở khuyên bảo chúng ta.
Chớ cứng lòng, hãy lắng nghe lời khuyên bảo, để vào được sự yên nghỉ
của Đức Chúa Trời (là khi linh hồn chúng ta thật bình an vì biết mình đi
đúng trong ý Chúa).
Những người nghi ngờ và lằm bằm
Kinh thánh có chép câu chuyện về một người thầy tế lễ, phụng sự trong
đền thờ lâu năm, đã được tiếp đón chính Gáp-ri-ên, một trong những
thiên sứ trưởng của Chúa sai đến với mình. Sứ điệp mà thiên sứ đem đến
thật là tuyệt vời với ông và gia đình - đó là vợ ông vốn son sẻ lâu nay
sẽ mang thai, và sinh ra con trai đặc biệt, được Thánh Linh đầy dẫy ngay
từ khi trong lòng mẹ, sinh ra sẽ mang quyền phép của Ê-li mà đi trước
Chúa, và sẽ đem lòng nhiều người trở về với Đức Chúa Trời (Lu-ca
1:11-18). Nhưng ông ta lại nghi ngờ mà không tiếp nhận chính thiên sứ mà
Đức Chúa Trời sai đến. Người đó Xa-cha-ri, cha đẻ của tiên tri Giăng
Báp-tít.
Lu-ca 1
19 Thiên sứ trả lời rằng: Ta là Gáp-ri-ên,
đứng rồi mặt Ðức Chúa Trời; Ngài đã sai ta đến truyền cho ngươi và báo
tin mừng nầy. 20 Nầy, ngươi sẽ câm, không nói được cho đến ngày nào các
điều ấy xảy ra, vì ngươi không tin lời ta, là lời đến kỳ sẽ ứng nghiệm.
Vì sao thiên sứ lại phải khiến ông ta bị câm, không nói được một thời
gian? Thoáng qua, có thể nghĩ đây là sự trừng phạt, nhưng hoàn toàn
không phải vậy. Tất cả vì quy luật thuộc linh, mọi lời nói đều có quyền
phép. Lời Chúa có sức mạnh sáng tạo cả thế giới, và chúng ta là ảnh
tượng và con cái của Ngài trên đất, cũng có quyền phép tương tự trong
những lời nói của mình.
Nếu những lời nói đức tin có thể gây dựng, thì những lời nghi ngờ lằm
bằm sẽ có sức mạnh phá hoại. Những lời đầy nghi ngờ của Xa-cha-ri nếu
không được kìm giữ, có thể làm hỏng đức tin của Ê-li-sa-bét vợ ông, và
ảnh hưởng đến chương trình của Đức Chúa Trời.
Nhiều người có thái độ hay phàn nàn và lằm bằm, ngày hôm nay cũng có
thể phá hoại đức tin của nhiều người khác. Vì họ lấy ý tưởng và đường
lối con người làm lý luận để cản trở ý tưởng và đường lối của Đức Chúa
Trời, chính vì vậy Chúa không muốn để cho lời tiêu cực của họ lan tỏa,
không cất nhắc họ vào những vị trí có ảnh hưởng đến nhiều người được.
Vấn đề không chỉ liên quan đến sứ điệp Lời Chúa. Ngay cả khi Đức
Thánh Linh cảm động trong lòng, có khi người ta cũng không nghe thấy,
không muốn và không sẵn lòng làm theo ý tốt của Đức Chúa Trời. Người
nghi ngờ thường lằm bằm, và người hay lằm bằm thật ra chưa có đức tin.
Đấy là hai điều thường đi đôi với nhau. Chính vì vậy mà sứ đồ Phao-lô đã
viết những lời nhắn nhủ cho những ai muốn dũng cảm lấy đức tin mà đi
theo ý Chúa.
Phi-líp 2
13 Vì ấy chính Ðức Chúa Trời cảm động lòng
anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài. 14 Phàm làm việc gì chớ nên lằm
bằm và lưỡng lự,
Hãy quyết định trong lòng, tôi là người không nghi ngờ và lằm bằm, tôi sẽ lấy đức tin tiếp nhận sứ điệp Tin lành!
Hê-bơ-rơ 4
1 Vậy, đang khi còn có lời hứa cho vào sự
yên nghỉ Chúa, hãy lo sợ, kẻo trong chúng ta có ai bị trừ ra chăng. 2 Vì
tin Lành nầy đã rao truyền cho chúng ta cũng như cho họ; những lời họ
đã nghe không ích chi hết, vì trong khi nghe, chẳng lấy đức tin nhận lời
đó thuộc về mình. 3 Về phần chúng ta là kẻ đã tin, thì vào sự yên
nghỉ...
Những người thiếu suy xét
Quay lại câu chuyện tiếp đón thiên sứ. Đang lúc chờ đợi, nếu bỗng
nhiên có người đến gõ cửa và được mời vào, nhưng người đó trái với mong
đợi lại nói những lời xấu xa, kích động, hoặc xúi giục chúng ta làm
những điều sai trái, thì chúng ta có nghe theo những lời đó để làm những
việc sai trái không?
Với những người thật thà, mở lòng, nhưng thiếu suy xét, thì ma quỉ
rất dễ dùng cạm bẫy truyền thống của nó - là sự lừa gạt. Nhiều người bị
ma quỉ lừa, chỉ đơn giản vì lòng họ không chịu suy xét.
Ê-sai 44:18 Những người ấy không biết và không suy xét; vì mắt họ nhắm lại để đừng thấy, lòng họ lấp đi để đừng hiểu.
Nhóm người thiếu suy xét này không có ý xấu, họ chỉ bị lừa dối. Lời
Chúa chỉ ra dấu hiệu của người trưởng thành thuộc linh, là người "hay
dụng tâm tư luyện tập mà phân biệt điều lành và dữ" (Hê-bơ-rơ 5:14).
Nhưng Kinh thánh kêu gọi chúng ta đừng như con trẻ nữa.
Ê-phê-sô 4
14 Ngài muốn chúng ta không như trẻ con
nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà lay
động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc, 15 nhưng muốn cho chúng ta
lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chơn thật, để trong mọi việc chúng ta đều
được thêm lên trong Ðấng làm đầu, tức là Ðấng Christ.
Muốn trưởng thành trong sự suy xét, chỉ có cách là phải học hỏi Lời
Chúa, nuôi dưỡng linh hồn mình. Khi nhờ Đức Thánh Linh soi dẫn để hiểu
và áp dụng các nguyên tắc Lời Chúa, chúng ta mới có thể biết suy xét một
cách đúng đắn và sâu sắc.
Hê-bơ-rơ 4:12 Vì lời của Ðức Chúa Trời là lời sống và linh
nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt,
tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.
Hãy yêu mến và tìm kiếm ý Chúa chứ đừng chống đối, hãy nhu mì lắng
nghe và sẵn sàng ăn năn chứ đừng cứng lòng, hãy lấy đức tin tiếp nhận sứ
điệp từ Đức Chúa Trời chứ không nghi ngờ và lằm bằm, và hãy học hỏi Lời
Chúa để suy xét mọi điều lành dữ.
Khi đó sứ điệp từ Chúa sẽ đến với đời sống mỗi chúng ta, đem sự sống
thiên thượng, làm thành ý muốn tốt lành mà Cha đã sai khiến Lời đó đến
với mọi con cái của Ngài.
Amen!
MS Trần Quốc Hùng
Hội thánh Tin lành Moskva. 21-06-2015
Những hạt giống đức tin. Tinlanh.Ru
Xin lưu ý: khi các bạn chia sẻ và sao chép, nhớ giữ nguyên tên tác
giả và xuất xứ (bản quyền) bài viết, cảm ơn các bạn về sự thông công
trong tình yêu của Đấng Christ!
Home / Bài Giảng /
Bài Giảng Trong Nước /
MS Trần Quốc Hùng /
Mục sư Trần Quốc Hùng /
Trần Quốc Hùng
/ Đón sứ giả của CHÚA - Mục sư Trần Quốc Hùng
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
0 nhận xét:
Post a Comment